Có thể nói, xã hội loài người đang tiến gần tới một cuộc cách mạng công nghiệp sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức sống, làm việc và liên hệ với nhau khi nền tảng trí tuệ nhân tạo phát triển lên một tầm cao mới.
Thời đại cách mạng trí tuệ nhân tạo
Một nghiên cứu về biến động nghề nghiệp do ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của GS Frey và GS Osborne (ĐH Oxford) năm 2013 cho thấy 47% số công việc hiện nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai.
Châu Âu cũng vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về thất nghiệp và hàng loạt câu hỏi được đặt ra về tương quan giữa đào tạo ĐH và đào tạo hướng nghiệp tại các quốc gia này. Cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu lao động Việt Nam thế nào? Liệu cơ cấu các trường ĐH và CĐ của Việt Nam hiện nay có còn phù hợp?
Cơ cấu lao động sẽ biến động ra sao trong thời đại cách mạng trí tuệ nhân tạo?
Cuối tháng 2/2017, đại diện Facebook tại Việt Nam – ông Huỳnh Kim Tước – cho biết Việt Nam có khoảng 50 triệu phú trẻ tuổi (19-24 tuổi) nhờ Facebook.
Các bạn này có thu nhập khoảng 100.000 USD/tháng. Nếu 50 bạn trẻ này là một công ty thì doanh thu công ty sẽ ở mức 60 triệu USD. Trong khi đó, công ty CNTT lớn nhất Việt Nam FPT Software có 10.000 nhân viên và doanh thu 200 triệu USD.
Tức là công ty giả định của 50 bạn trẻ này sẽ tương đương 3.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam. Hay nói cách khác năng suất lao động của công ty gồm các bạn trẻ đã được đẩy lên mức cao hơn các kỹ sư CNTT tới 60 lần.
Lưu ý rằng nhóm công việc của các bạn trẻ này vốn dĩ không tồn tại trước thời đại của Facebook – tức là mới chỉ khoảng 10 năm trước. Sự ra đời của những công việc mới với thu nhập cao vượt trội như vậy là thành quả ngọt ngào mà các cuộc cách mạng kỹ thuật/công nghệ mang lại.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi. Hàng loạt nhóm công việc truyền thống biến mất, đẩy một số lớn những người làm trong các ngành nghề này vào chỗ thất nghiệp và phải đi tìm ngành nghề mới.
Trước khi máy tính cá nhân và Internet trở nên thịnh hành, nghề văn thư và đánh máy chữ là một nghề phổ biến ở tất cả các công sở và văn phòng, giờ đây đã biến mất hoàn toàn.
Câu hỏi quan trọng là cơ cấu nghề nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào? Nghiên cứu của Frey và Osborne trên lực lượng lao động Mỹ cho thấy nhóm ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi xu thế robot hóa trong tương lai gần.
Tuy nhiên, có một số nhóm ngành bị ảnh hưởng ít hơn, thí dụ các ngành liên quan đến máy tính, kỹ thuật, khoa học, giáo dục, luật, mỹ thuật, truyền thông, chăm sóc sức khỏe (nhóm thứ nhất).
Trong khi đó các nhóm công việc ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bao gồm các lĩnh vực: bán hàng, hành chính, văn phòng, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, sửa chữa, vận tải và sản xuất (nhóm thứ hai). Dịch vụ là nhóm đặc thù với tỉ lệ bị thay thế rất cao, nhưng vẫn có nhiều công việc trong mảng dịch vụ vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả trong thời kỳ robot hóa.
Tư vấn chọn nghề trong thời cách mạng trí tuệ nhân tạo
Câu hỏi đặt ra là tại sao có những việc dễ dàng bị thay thế, trong khi có những việc lại khó bị thay thế bởi máy móc?
Câu trả lời nằm ở chỗ khả năng của máy móc trong việc thay thế con người. Với những việc mà đối tượng tương tác trực tiếp là vật vô tri vô giác, và sự tương tác này dễ quy trình hóa thành các bước cụ thể – đơn giản thì việc máy móc thay thế con người là rất dễ dàng.
Vì thế, những việc liên quan đến sản xuất, xây lắp, vận tải, nông lâm ngư nghiệp, sửa chữa máy móc… là những việc dễ rơi vào tay máy móc nhất.
Những việc mà đối tượng trực tiếp là con người, đặc biệt là những việc liên quan đến việc sáng tạo cao, hoặc cần phải nắm bắt tâm lý con người, là những việc khó bị thay thế hơn. Không phải chúng không thể thay thế, nhưng ít ra là trong ngắn hoặc trung hạn, sự thay thế này khó xảy ra.
Thí dụ, hoạt động giảng dạy của giáo viên (đối tượng là học sinh), các ngành dịch vụ chăm sóc con người (như ngành nhà hàng – khách sạn), chăm sóc y tế, hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, quản trị tổ chức – doanh nghiệp… đòi hỏi hoặc là khả năng nắm bắt tâm lý của khách hàng một cách nhạy bén hoặc khả năng nghiên cứu – sáng tạo cao.
Nghiên cứu này của Frey và Osborne dựa trên cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động Mỹ. Tuy nhiên cũng dễ thấy là hiện nay tốc độ “lây lan” của công nghệ trên thế giới rất nhanh chóng.
Do đó sự biến đổi về cơ cấu việc làm ở Việt Nam, dù có thể sẽ chậm hơn Mỹ, nhưng cũng sẽ không còn quá lâu. Vì vậy, hệ thống giáo dục đào tạo ngành nghề của Việt Nam có thể bây giờ chưa cảm nhận được rõ ràng sức ép, nhưng sớm muộn cũng phải thay đổi.
Thay đổi theo hướng nào? Một gợi ý quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phải hướng tới việc tạo ra một lực lượng lao động mới hướng vào các ngành đòi hỏi tính sáng tạo cao và những ngành nhắm tới việc phục vụ trực tiếp con người.
Những việc mang tính cơ học, máy móc sẽ phải giảm bớt. Chỉ có những ngành mang tính sáng tạo cao hoặc phục vụ trực tiếp con người mới mong tìm kiếm việc làm thuận lợi sau này.
Theo học các ngành học theo hướng các nghề nghiệp mang tính dịch vụ – hướng thẳng vào việc phục vụ con người như điều dưỡng, dược, kiến trúc, công nghệ thông tin, ngôn ngữ anh, sư phạm, quản trị nhà hàng khách sạn là lựa chọn sáng suốt.